Suy niệm loan báo Tin Mừng (20.10.2019 – Chúa Nhật Tuần 29 TN, Khánh Nhật Truyền Giáo)
(Trích 31 bài giảng của uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)
Lời Chúa:
BÀI ĐỌC I: Xh 17, 8-13
Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim, Ông Môsê nói với ông Giosuê rằng: “Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec: ngày mai tôi sẽ cầm gậy Thiên Chúa trong tay lên đứng trên đỉnh núi”. Ông Giosuê thực hiện như lời ông Môsê đã dạy, và ra chiến đấu với người Amalec. Còn ông Môsê, Aaron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.
BÀI ĐỌC II: 2 Tm 3, 14 – 4, 2
Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.
Cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Đức Kitô, Đấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết, nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn.
PHÚC ÂM: Lc 18, 1-8
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: “Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù’. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc’ “.
Rồi Chúa phán: “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”
Suy niệm
Vì rơi vào ngày Chúa Nhật mừng lễ Khánh Nhật Truyền Giáo, bài đọc I hôm nay với bài tường thuật về trận chiến giữa quân Amalech và Ítraen có thể gây bối rối cho những ai muốn nói về tầm quan trọng của ơn gọi truyền giáo của người Kitô hữu. Bài đọc có thể bị hiểu sai như là kích động thánh chiến hay kêu gọi việc chiêu dụ cực đoan. Trái lại, truyền giáo nhắm tới việc công bố cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu và sự hòa giải với Thiên Chúa được Đức Giêsu cống hiến. Mục đích của truyền giáo là làm chứng cho Đức Giêsu, thông truyền Tin Mừng của Người, xây dựng Hội Thánh của Người, trong một bầu khí huynh đệ chân thành và tôn trọng tự do đích thực trong việc cùng nhau tìm kiếm sự gia tăng hiệp thông và công bằng trên thế giới. Chưa kể đến việc Tin Mừng cũng dạy chúng ta, qua gương sáng của Đức Giêsu, là phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta. Những người được rửa tội và được sai đi không có một sản phẩm để bán hay áp đặt cho thế giới. Là Hội Thánh của Đức Kitô trong sứ mạng truyền giáo, người tín hữu lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa để công bố, làm chứng và thông truyền sự sống ấy cho sự cứu rỗi của bản thân mình và của mọi người khác.
Bản văn Kinh Thánh của sách Xuất Hành 17:8- 13 cho chúng ta ký ức về một giai đoạn trong đó Ítraen, một dân lánh nạn đang đi tìm một mảnh đất để định cư, bị đe dọa diệt vong và phải dấn mình vào một cuộc đấu tranh cho sự tồn vong của mình. Chỉ cậy dựa vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, với niềm tin chắc chắn giành chiến thắng cũng như được giải phóng khỏi đất Ai Cập, dân tộc Ítraen lưu giữ ký ức về trận chiến này, và về các trận chiến khác sau đó, làm bằng chứng cho lòng tin của họ vào vị Thiên Chúa thật, là Chúa trời đất, Thiên Chúa các đạo binh, Đấng an ủi kẻ yếu đuối và giải phóng những người bị áp bức. Đây là lời ca tụng mà thánh vịnh gia, với lòng tin cậy và biết ơn, dâng lên cho Đức Chúa, Đấng bảo vệ Ítraen: Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ ÐỨC CHÚA
là Ðấng dựng nên cả đất trời. (Tv 121:1-2)
Các yếu tố gây hấn, oán ghét và hận thù đi kèm theo cách diễn giải này của Cựu Ước về đức tin trong lịch sử cần phải được thanh tẩy dần dần qua các thế kỷ bởi dân thánh, như các ngôn sứ và các bậc khôn ngoan, và cuối cùng bởi Chúa Giêsu, Hoàng tử Hòa Bình và Công Lý, Đấng đã được các ngôn sứ nhìn thấy trước và chờ đợi hàng thế kỷ. Những gì từng được hiểu như là sức mạnh và bạo lực trong việc tiêu diệt các ngẫu tượng và các dân ngoại, thì nay trong Đức Giêsu, nó trở thành một niềm đam mê nóng bỏng và một tình yêu thương bừng cháy đối với việc cứu rỗi mọi người.
Thập giá Chúa Giêsu là nơi mà sự ác đã bị đánh bại bởi tình yêu của Đấng chết vì chúng ta, chết thay cho chúng ta, trải nghiệm cái chết của chúng ta như là của chính Người. Người cũng chịu chết để cứu độ những kẻ bách hại và những kẻ thù của Người. Mọi sự oán thù bị tiêu diệt bởi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, nơi Người và trong sự hiệp thông Ba Ngôi, sự oán thù và sự chết càng khơi dậy tình yêu lớn hơn và lòng thương xót hiệu quả hơn. Thiên Chúa đã huỷ diệt tội lỗi, sự bất công và sự chết của chúng ta bằng cách mang lấy tất cả những điều ấy nơi chính bản thân Người, và đã tiêu diệt chúng nhờ tình thương vô biên của Người. “Cái chết của Đức Kitô trên Thập Giá là đỉnh điểm của việc Thiên Chúa quay lại chống đối chính mình, trong đó Thiên Chúa tự hiến chính mình để nâng con người lên và cứu độ họ. Đó là tình yêu trong hình thái triệt để nhất. Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, sự giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết đã được thực hiện” (ĐGH Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 9). Tân Ước và toàn bộ Sách Thánh giới thiệu cho chúng ta và dạy dỗ chúng ta về hành động cứu độ này của Thiên Chúa trong thế giới.
Trong viễn tượng này, bài đọc 2 cho chúng ta thấy Thánh Phaolô dạy cho Timôthê biết tầm quan trọng của Sách Thánh như thế nào: “từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Kitô Giêsu” (2 Tm 3:15). Trên thực tế, Timôthê đã học Sách Thánh từ thời thơ ấu, giống như mọi bé trai Do Thái; kể từ đó, các trẻ em Kitô hữu cũng học Sách Thánh, với sự trợ giúp của cha mẹ các em và cộng đoàn. Timôthê ở tuổi thanh niên đã cùng với cả gia đình mình đón nhận đức tin trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất của Tông Đồ Phaolô và sau này trở thành một thành viên trong đoàn truyền giáo của Phaolô. Là con của một người mẹ Do Thái và người cha Hy Lạp, Timôthê đã lãnh nhận từ thời niên thiếu một nền giáo dục tôn giáo sâu xa và vững chắc từ bà ngoại anh là cụ Lôít và mẹ anh là bà Êunikê, hai người phụ nữ đã dạy anh hiểu biết Sách Thánh. Đây là điều cần thiết, vì Sách Thánh được Thiên Chúa linh hứng, và nếu được cắt nghĩa tốt (thay vì bị sửa đổi và xuyên tạc, như Thư 2 của Thánh Phêrô nhắc nhở chúng ta; x. 2 Pr 1:19-21), Sách Thánh khích lệ chúng ta làm việc lành và xây dựng chúng ta trong sự công chính và thánh thiện. Nhiệt tình truyền giáo chân chính không phải là thái độ chiêu dụ bằng bạo lực, nhưng là ước muốn một trái tim huynh đệ đầy tràn Đức Kitô và được Thánh Thần thúc đẩy để hợp tác vì sự cứu rỗi và hạnh phúc của mọi người, mọi nhóm sắc tộc, bằng cách chia sẻ những giá trị đạo đức và văn hóa, những niềm vui và hy vọng, tìm kiếm một sự sống viên mãn và bình an đích thực, là chính Đức Giêsu Kitô đã chết và phục sinh. Vì lý do này, Thánh Phaolô mạnh mẽ khuyên nhủ Timôthê hiến toàn thân xác và linh hồn cho việc giảng dạy Lời Chúa, trong khi đợi chờ ngày Quang Lâm của Chúa.
Trong các thư của ngài, Thánh Phaolô thường xuyên nhắc đến sự phục vụ của Timôthê cho công việc rao giảng Tin Mừng. Là người luôn sẵn sàng và chăm chú, anh quảng đại và yêu mến đồng hành với các cộng đoàn Hội Thánh. Phaolô nhắc các tín hữu Philipphê nhớ đến chứng tá và lòng trung thành của Timôthêô: “Nhờ Chúa Giêsu, tôi hy vọng có thể sớm cử anh Timôthê đến với anh em… Anh em biết: anh Timôthê đã chứng tỏ mình là người có giá trị, bởi vì anh ấy đã cùng với tôi phục vụ Tin Mừng, như con với cha” (Pl 2:19.22). Trong thư gửi tín hữu Thêxalônica, Thánh Phaolô nhấn mạnh lòng can đảm và đặc sủng truyền giáo của Timôthê: “Và chúng tôi đã phái anh Timôthê, người anh em của chúng tôi và cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc loan báo Tin Mừng Ðức Kitô; anh đến để làm cho anh em được vững mạnh, và khích lệ đức tin của anh em, khiến không ai bị nao núng vì các nỗi gian truân ấy” (1 Th 3:2-3). Do đó, Timôthêô sẵn sàng đi và cần mẫn phục vụ các giáo hội mới lập, làm sáng tỏ những mối hoài nghi của họ và nâng đỡ các cố gắng của họ. Lời Thiên Chúa là sức mạnh và là bạn đồng hành của anh.
Câu đáp ca Allêluia, với giọng trữ tình và lời lẽ trau chuốt, là một thánh thi tuyệt vời ca tụng Lời của Thiên Chúa, được mô tả là “sống động và hiệu quả”, vì nó thấm sâu vào lòng chúng ta như một thanh gươm hai lưỡi. Như lời thánh vịnh gia, Chúa dò thấu lòng trí chúng ta và thấy rõ mọi đường đi nước bước của chúng ta. Cũng vậy, chúng ta thấy ẩn dụ thanh gươm trong thư Êphêsô; được gọi là gươm của Thần Khí, Lời Thiên Chúa đầy sức mạnh thấm sâu vào tâm hồn (x. Ep 6:17). Một vũ khí ác liệt của chiến tranh cũng được dùng làm biểu tượng cho một cuộc chiến đấu khác, đó là cuộc chiến đấu thiêng liêng tạo nên sự sám hối và hoán cải, niềm vui và sự sống mới, lòng nhân hậu và trung thành. Đây là những hoa quả của Lời Thiên Chúa sống động và thân thiết, hoa quả của Đức Khôn Ngoan thấu suốt mọi sự, thấm nhuần mọi sự và phán xét mọi sự, hiện diện trong tâm khảm chúng ta và chiếu sáng chói lóa khiến không ai có thể bị che khuất. Tin Mừng Đức Giêsu, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, là thần khí và sự sống. Tin Mừng này làm cho kẻ chết sống lại, phục hồi nhân phẩm cho những người bị loại trừ, ban niềm vui cho người sầu khổ, đổi mới mọi tạo vật, biến đổi, thánh hóa và ban sự sống đời đời. Tuy nhiên, khi Lời soi sáng, Lời cũng đồng thời xét xử, vì Lời gỡ bỏ các mặt nạ của linh hồn, tiết lộ sự thật được bày ra trong lương tâm. Trong trái tim của người được Thần Khí của Chúa Phục Sinh đổ vào, sự phán xét của Lời luôn luôn là để ban ơn tha thứ và thanh tẩy.
Dụ ngôn của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng ngày Chúa Nhật hôm nay mô tả cảnh một bà góa bị một quan tòa tham ô từ chối quyền được tự biện hộ, một trải nghiệm mà nhiều người trên thế giới phải chịu ngày nay. Câu chuyện dụ ngôn được đặt trong khung cảnh “trong một thành kia” (Lc 18:2), một thành không có tên vì những điều được kể có vẻ xảy ra ở khắp nơi – luật pháp phải được thi hành cho những kẻ thù của quan tòa; còn đối với các bạn bè của quan tòa, chỉ cần diễn giải.
Người đàn bà góa trong dụ ngôn không phải là bạn của quan tòa, vì thế chị không được quan tòa lắng nghe. Bà góa này chồng đã chết, và trong xã hội Palestin ở thế kỷ 1, bà không được quyền thừa kế gia sản của người chồng quá cố. Các bà góa dễ bị tổn thương về kinh tế và dễ bị bóc lột, như Đức Giêsu đã nặng lời nhắc nhở chúng ta khi Người tố cáo các kinh sư xâu xé tài sản của các bà góa (Lc 20:46-47). Vì không có luật sư, bà góa phải tự biện hộ chống lại đối thủ của bà. Đức Giêsu phơi bày lập luận trong lòng ông quan tòa bất lương, người không quan tâm tới các lời phàn nàn của bà góa và không thèm biết bà là ai. Ông ta không kính sợ Thiên Chúa, cũng chẳng đoái hoài gì tới lợi ích của người dân. Người đàn bà góa nhất quyết không để mình bị làm ngơ, kể cả trước một ông quan tòa bất lương, cho tới khi án kiện của bà được giải quyết có lợi cho bà.
Đức Giêsu dùng các dụ ngôn để dạy chúng ta về nhu cầu phải cấp bách và liên tục cầu nguyện. Nếu kinh nguyện là trái tim của sứ mạng Hội Thánh, đó là vì trong mối quan hệ của cá nhân và của Hội Thánh với với Thiên Chúa (phụng vụ), những con người và những cộng đoàn được đổi mới nhờ ơn cứu độ Đức Giêsu ban cho chúng ta. Câu hỏi của người về đức tin khi Người sẽ đến lại có vẻ như chỉ ra một mối quan tâm của Người về hiệu quả của sứ mạng sẽ được thi hành và tính chân thực của chứng tá của các môn đệ truyền giáo. Những môn đệ này, được tháp nhập vào Mầu Nhiệm Vượt Qua nhờ phép rửa, được sai vào thế giới rong tư cách Hội Thánh của Đức Kitô, cộng đoàn của những người được cứu chuộc, là hạt giống và khởi đầu của Nước Trời hầu cho toàn thể lịch sử và toàn thể nhân loại có thể được biến đổi và cứu chuộc. Hiệu quả của việc cầu nguyện liên tục, của sự liên lỉ van xin, của việc bền tâm tìm kiếm lòng yêu mến sự thật và công lý, giúp tôi luyện khả năng truyền giáo của người môn đệ. Chỉ những ai kiên tâm cầu nguyện mới đặt Đức Kitô vào tâm điểm đời sống của họ và của sứ mạng được trao cho họ, giúp tăng cường đức tin. Chỉ những ai kiên trì cầu nguyện mới trở nên chăm chú và có khả năng lắng nghe, thể hiện và khám phá ra những nhu cầu và những đòi hỏi của sự cứu rỗi vật chất và thiêng liêng luôn hiện diện trong con tim của loài người hôm nay.
Nguồn: Uỷ ban loan báo Tin Mừng
- Đức Tổng Giuse dâng lễ cầu cho các đẳng linh hồn: Chúa Giêsu- Đấng bảo lãnh về Nhà Cha
- Bông hồng cho người hành khất – Cho vào tim hơn hay bàn tay
- Giới thiệu tuyển tập họa báo giáo dục cho tuổi thơ: Bông Hoa Nhỏ
- Giáo xứ Hải Nạp: Hân hoan lãnh nhận Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng
- Suy niệm loan báo Tin Mừng (20.10.2019 – Chúa Nhật Tuần 29 TN, Khánh Nhật Truyền Giáo)